Sự bùng nổ của dịch Covid-19 cũng là một “cú hích” cho nền công nghệ hiện đại chuyển mình. Vậy những xu hướng công nghệ nào sẽ “lên ngôi” trong năm 2022 này? Hãy cùng đón xem trong bài viết dưới đây.
Năm 2021 chứng kiến sự ứng dụng rộng rãi của những công nghệ mới vào đời sống để cung cấp cho người dùng những tiện ích cần thiết trong khoảng thời gian dịch Covid diễn biến phức tạp. Vậy thì trong năm 2022, xu hướng về công nghệ sẽ thay đổi như thế nào? Hãy cùng ELLE Man điểm qua những xu hướng về công nghệ được dự đoán sẽ tiếp tục hoặc trỗi dậy trở thành xu hướng “mainstream” của năm 2022 nhé!
1. Tự động hóa
Công nghệ tự động hóa đã và đang gắn bó chặt chẽ với cuộc sống hàng ngày của con người. Nhờ việc ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến vào trong quá trình sản xuất, các máy móc dần trở nên thông minh hơn và có thể tự động xử lý các phần công việc do con người đảm nhiệm, từ đó dần dần thay thế được sức lao động của con người. Bạn có thể thấy công nghệ tự động hóa ở khắp mọi nơi, từ những dây chuyền sản xuất tự động, các phương tiện tự lái cho đến những thiết bị nội thất thông minh như hệ thống thông báo cho ngôi nhà, rô bốt lau sàn tự động,…
Theo dự đoán, khoảng một nửa tổng số công việc hiện tại có thể được tự động hóa trong vài thập kỷ tới khi quá trình tự động hóa cao cấp hơn kết hợp với quá trình ảo hóa (virtualization) trở nên phổ biến rộng rãi. Theo McKinsey dự đoán rằng: Đến năm 2025, hơn 50 tỷ thiết bị sẽ được kết nối với internet vạn vật (IIoT)”. Robot, tự động hóa, in 3D,… sẽ tạo ra khoảng 79,4 zettabyte dữ liệu mỗi năm. (1 zettabyte = 1 nghìn tỉ gigabyte).
2. Metaverse
Được phổ biến bởi Snow Crash, một tiểu thuyết khoa học viễn tưởng ra mắt vào năm 1992 của Neal Stephenson, thuật ngữ Metaverse đề cập tới một tập hợp thế giới ảo dùng để hỗ trợ các công cụ thực tế ảo VR (Virtual Reality) hay thực tế ảo tăng cường AR (Augmented Reality), hoặc thậm chí là cả MR (Mixed Reality, kết hợp giữa VR và AR). Mọi người có thể đi chơi với bạn bè, làm việc, thăm thú các địa điểm, mua hàng hóa, dịch vụ và tham dự các sự kiện thông qua Metaverse.
Metaverse có thể biến các thế giới trực tuyến khác nhau thành một thực thể liền mạch và duy nhất. Nó thậm chí còn được mệnh danh là sự phát triển tiếp theo của Internet. Chính vì vậy, các ông lớn trong mảng công nghệ không ngại đầu tư cũng như có những bước đi quan trọng trong việc thiết lập Metaverse. Vào năm 2021, CEO của các công ty công nghệ từ Microsoft đến Match Group đã thảo luận về vai trò của họ trong việc xây dựng Metaverse. Vào tháng 10 năm 2021, Facebook tự đổi tên thành Meta để nhấn mạnh trọng tâm Metaverse mới của mình. Ngoài ra, công nghệ Metaverse này cũng được nhận định sẽ là một thế giới tương lai, mang đến sự đổi mới về công nghệ kĩ thuật và thay đổi cách sống, làm việc của con người.
3. Blockchain và công nghệ sổ cái phân tán (DLT)
Blockchain và các công nghệ sổ cái phân tán (DLT) đang dần thay đổi bản chất của các hoạt động kinh doanh đang diễn ra trong thời buổi hiện nay. Những công nghệ tiên tiến này mang lại những đóng góp rất lớn cho các công ty, giúp họ tái hình dung cách quản lý những tài sản hữu hình và kỹ thuật số. Các hệ thống sử dụng công nghệ Blockchain không những giúp đảm bảo độ bảo mật, giảm chi phí giao dịch mà còn thực sự tăng tốc độ xử lý. Nhờ loại bỏ được các đơn vị trung gian và thiết lập giao dịch trên sổ cái phân tán chung, các sổ cái ứng dụng công nghệ Blockchain có thể xử lý giao dịch gần như ngay lập tức. Trong năm 2022, công nghệ Blockchain cũng như sổ cái phân tán (DLT) được dự đoán vẫn sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ và đóng vai trò quan trọng trong nhiều ngành nghề khác nhau.
4. Trí tuệ nhân tạo
Trí tuệ nhân tạo đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của chúng ta. Từ những cải tiến đối với cá nhân hóa, xếp hạng kết quả tìm kiếm, đề xuất sản phẩm cũng như hiểu và kiểm soát các thiết bị cho đến ngành công nghiệp tự động hóa, trí tuệ nhân tạo ngày càng được phổ biến rộng rãi và hiện diện thường xuyên trong cuộc sống.
Bên cạnh đó, bất chấp những tiến bộ về công nghệ, các tổ chức vẫn phải vật lộn với các vi phạm an ninh mạng và Trí tuệ nhân tạo là một giải pháp cho vấn đề tội phạm mạng. Khả năng học và phát hiện các xu hướng mới của trí tuệ nhân tạo có thể tăng tốc độ phát hiện, ngăn chặn và phản ứng với vi phạm an ninh mạng, giúp giảm bớt gánh nặng cho các trung tâm an ninh mạng và cho phép họ chủ động phòng ngừa các trường hợp tội phạm mạng hoành hành.
5. Điện toán đám mây
Trong hai năm gần đây, điện toán đám mây đã bùng nổ khi các tổ chức đều chuyển hướng sang quản lý trực tuyến và tập trung vào việc cung cấp các dịch vụ kỹ thuật số. Các giải pháp đám mây dành riêng cho các ngành khác nhau có thể cho phép các công ty tự động hóa các tác vụ thủ công khiến họ trở nên khác biệt hơn so với đối thủ cạnh tranh của mình. Trong năm 2022, ngày càng nhiều doanh nghiệp sẽ bắt đầu xem xét các dịch vụ điện toán đám mây và khoảng 70% công ty sẽ sử dụng nền tảng đám mây lai (hybrid-cloud) hoặc đa đám mây (multi-cloud) như một phần của cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phân tán.
6. NFT
NFT, viết tắt của Non-Fungible Token (tài sản không thể thay thế) là một nội dung số được xây dựng trên hệ thống chuỗi khối – blockchain. Bản thân NFT không phải là một tài sản vật lý mà là một loại mã hoá để lưu trữ và giao dịch trên thế giới số. Chính vì thế, NFT được biết đến như là một “dữ liệu” chứa thông tin nhận dạng và xác minh tài sản được lưu giữ trên blockchain, mỗi “mã” đại diện cho một tài sản, mỗi tài sản sẽ sở hữu một chữ ký số riêng biệt và chính vì vậy, nó có tính độc nhất. NFT đã và đang được ứng dụng rộng rãi nhất trong các lĩnh vực số như ảnh, âm nhạc, trò chơi hoặc các nội dung nghệ thuật khác. Bên cạnh đó, tiềm năng của NFT là vô hạn vì nó có thể tồn tại trong nhiều dạng khác nhau, chẳng hạn như bất động sản ảo, một bức tranh, quyền quyết định sử dụng ví tiền mã hóa độc quyền hoặc thậm chí là dạng hình ảnh, âm thanh, chữ viết, video,…
Vào năm 2022, chúng ta có thể thấy NFT ở khắp mọi nơi, có thể kể đến như trong phim, chương trình truyền hình, sách,… NFT là một phần của nền kinh tế kỹ thuật số và đang trở thành xu hướng chủ đạo vì chúng đánh mạnh vào tâm lý sở hữu của con người – ví dụ như quyền sở hữu một tác phẩm nghệ thuật hoặc một nhân vật. Trong tương lai, NFT sẽ có thể tiếp tục phát triển mạnh và “làm mưa làm gió” trong thị trường đầu tư của nhiều ngành nghề.
7. Mở rộng mạng 5G-6G
Khi làm việc từ xa trở nên phổ biến, độ tin cậy của Internet trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Internet vạn vật (IoT) đã và đang làm cho Internet trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của chúng ta. Bên cạnh đó, sự phát triển ở tất cả các cấp độ mạng sẽ tiếp tục thúc đẩy các nghiên cứu và kích thích nền kinh tế internet phát triển.
Mặc dù 5G có thể đang ở giai đoạn phát triển sơ khai nhưng hiện tại, sự đầu tư cho công nghệ mạng 6G đã được tiến hành. Trung Quốc bắt đầu nghiên cứu về 6G vào năm 2018. Đến cuối năm 2020, nước này đã phóng một vệ tinh để kiểm tra khả năng truyền tín hiệu terahertz. Hoa Kỳ cũng bắt đầu nghiên cứu 6G vào năm 2018 với việc Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC) mở phổ tần số cao hơn để sử dụng thử nghiệm. Ngoài ra, nhiều quốc gia châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản và một số quốc gia châu Âu cũng đã bắt đầu “dấn thân” vào “cuộc đua” này. Chính vì vậy, 2022 là một năm đáng để chờ đợi các tín hiệu tích cực từ những nghiên cứu và thử nghiệm về kết nối mạng 6G cũng như những thông tin mới nhất về việc phát triển 5G.
8. Công nghệ khoa học sự sống
Ngành khoa học sự sống bao gồm dược phẩm, công nghệ sinh học, khoa học môi trường, y sinh, dược phẩm, khoa học thần kinh, sinh học tế bào và lý sinh. Năm 2021 đã thúc đẩy sự đổi mới lớn trong công nghệ khoa học sự sống, một phần là do tăng cường đầu tư vào công nghệ vắc-xin mRNA và test Covid-19 hiệu suất cao. Trong năm 2022, một số lĩnh vực khoa học sự sống, bao gồm các nghiên cứu tiên tiến, công nghệ chế tạo người máy, công cụ trí tuệ nhân tạo, công nghệ đám mây, cùng với việc cải thiện tốc độ kiểm nghiệm thuốc, tích hợp thông tin di truyền, và sử dụng công nghệ gen được dự đoán sẽ có sự “chuyển mình” mạnh mẽ và được ứng dụng ngày càng rộng rãi trong đời sống.
9. Công nghệchế tạo người máy
Vì xu hướng tự động hóa ngày càng được đẩy mạnh, nên công nghệ chế tạo người máy đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất làm việc cũng như giảm thiểu chi phí nhân công. Năm 2022 được kì vọng rằng robot sẽ tham gia nhiều hơn trong các hoạt động sống hằng ngày như trên lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, nông nghiệp, ô tô, kho bãi và quản lý chuỗi cung ứng. Ngoài ra, việc sử dụng quy trình robot tự động hóa (RPA) giúp các hoạt động được thực hiện lặp đi lặp lại bởi con người sẽ được tự động hóa bởi robot – đây cũng là điều được mong đợi sẽ phát triển vào năm 2022 và trở thành công nghệ tiêu chuẩn cho các doanh nghiệp hiện nay.
Ngoài ra, thế giới cũng đang chứng kiến sự gia tăng của nanorobotics – các cảm biến nhỏ với sức mạnh xử lý hạn chế. Các ứng dụng hữu ích đầu tiên của các robot nano này có thể là trong y học nano. Một ví dụ cụ thể đó chính là máy sinh học được sử dụng để xác định và tiêu diệt các tế bào ung thư hoặc cung cấp thuốc cho bệnh nhân.
10. Công nghệ năng lượng tái tạo
Biến đổi khí hậu đang là yếu tố thúc đẩy tốc độ tăng trưởng nhanh chóng trong việc áp dụng năng lượng bền vững. Trong năm 2022, xu hướng năng lượng bền vững được dự đoán sẽ tiếp tục phát triển và các công nghệ năng lượng mới như phản ứng tổng hợp hạt nhân, nhiên liệu sinh học và hydro lỏng được kỳ vọng sẽ có những bước đi mới trong năm nay.
Sản xuất và sử dụng công nghệ năng lượng mặt trời và gió cũng được dự đoán là sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2022. Ngoài ra, công nghệ lưu trữ (pin) đã, đang và sẽ đóng một vai trò lớn trong ngành công nghiệp tái tạo năng lượng, vì nhu cầu lưu trữ năng lượng tái tạo ngày càng tăng.
(Link: https://www.elleman.vn/thoi-trang/xu-huong-cong-nghe-2022)