Từ ngày 24 – 27.11, Trường Đại học Đà Lạt tổ chức tọa đàm về nâng cao năng lực đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật hạt nhân.
Trong dịp này, Trường tiếp nhận và đưa vào vận hành hệ thống mô phỏng lò phản ứng hạt nhân OPR 1000 Core Simulator (CoSi) do Hiệp hội kỹ thuật hạt nhân Hàn Quốc (KNA), Tập đoàn Thủy điện, Điện Hạt nhân Hàn Quốc (CRI-KHNP), Đại học Hangyang (Hàn Quốc) tài trợ với sự đồng ý của hai Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc. Tổng mức tài trợ khoảng 2 triệu USD.
CoSi là hệ thống mô phỏng lò phản ứng hạt nhân thời gian thực đầu tiên có mặt tại một trường đại học của Việt Nam. Hệ thống thiết bị gồm máy tính chủ công suất lớn và các máy tính trạm được cài đặt hệ thống phần mềm giả lập lõi lò phản ứng hạt nhân thế hệ thứ 3, thế hệ lò mới nhất được phát triển tại Hàn Quốc, công suất 1000 MW. Hệ thống này mô phỏng tính toán các thông số thực của lò phản ứng OPR 1000, cung cấp, dự báo những sự cố xảy ra trong quá trình hoạt động. Sinh viên ngành hạt nhân thực nghiệm hệ thống này trước khi tham gia tại Lò phản ứng hạt nhân của Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt.
Chính phủ Hàn Quốc sẽ còn tiếp tục tài trợ cho Đại học Đà Lạt hệ đo đạc bức xạ - thiết bị cơ bản và quan trọng trong đào tạo công nghệ hạt nhân có liên quan đến đào tạo chuyên gia về an toàn bức xạ.