Từ tháng 10 năm 1976, Trường Đại học Đà Lạt đã trở lại với hệ thống giáo dục theo quyết định số 426/TTg của Thủ tướng chính phủ nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam và ngành Vật lý là một trong những ngành đầu tiên được phép tuyển sinh trong cả nước từ năm 1977 với số lượng ban đầu còn hạn chế chỉ vài chục sinh viên. Đến năm 1981, Khoa Vật lý chính thức được thành lập. Qua thập kỷ 90, cùng với sự phát triển của Trường Đại học Đà Lạt, số lượng sinh viên tuyển sinh hàng năm tăng dần lên đến hàng trăm sinh viên. Từ năm 2006, Khoa có thêm ngành mới: Công nghệ Kỹ thuật Điện tử-Viễn thông. Từ năm 2019, Khoa đổi tên thành Khoa Vật lý và Kỹ thuật Hạt nhân trên cơ sở sát nhập với Khoa Kỹ thuật Hạt nhân. Từ năm 2021, Khoa có thêm ngành mới: Công nghệ Kỹ thuật Điều khiển và Tự động hóa với số lượng sinh viên học tập tại Khoa tăng lên đáng kể. Như vậy hiện nay Khoa Vật lý & KTHN có 05 ngành đào tạo bậc đại học (Công nghệ Kỹ thuật Điều khiển và Tự động hóa, Công nghệ Kỹ thuật Điện tử-Viễn thông, và Kỹ thuật Hạt nhân, Vật lý học, Sư phạm Vật lý), 01 ngành đào tạo bậc Thạc sĩ và Tiến sĩ (Vật lý kỹ thuật).
Khoa Vật Lý & KTHN - Khu nhà A3
|
|
|
Trong thời kỳ đầu, số cán bộ cơ hữu của Khoa chỉ là vài cán bộ trẻ vừa tốt nghiệp ngành Vật lý đến từ các trường Đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, việc đào tạo chủ yếu phụ thuộc vào cán bộ mời giảng từ nhiều nguồn khác nhau trong cả nước. Lúc ấy, PGS.TS. Trần Thanh Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt đóng vai trò rất quan trọng và là đầu tàu định hướng cho ngành Vật lý. Hai chuyên ngành được xác định ban đầu là Vật lý hạt nhân và Vật lý điện tử, trong đó Vật lý hạt nhân được xem là mũi nhọn, đào tạo ra những cán bộ trong lĩnh vực sử dụng năng lượng hạt nhân. Số cán bộ cơ hữu được bổ sung dần dần từ những sinh viên tốt nghiệp loại Giỏi được đào tạo tại các Trường Đại học Tổng hợp trong cả nước, nhưng chủ yếu vẫn là giữ lại sinh viên xuất sắc được đào tạo từ Khoa Vật lý Trường Đại học Đà Lạt. Năm 1981 TS Trần Hà Anh trở thành Trưởng khoa Vật lý, sau đó là một số Thầy phụ trách khoa: Lương Duyên Phu (1984-1985), Trương Chánh Hoàng (1986-1987), Nguyễn Hữu Thắng (1988-1990). Sang đến thập kỷ 90, một số ít cán bộ đầu tiên được đào tạo trở về như TS Nguyễn An Ninh, TS Lương Duyên Phu... Trong một thời gian ngắn, TS Nguyễn An Ninh làm Trưởng khoa Vật lý trước khi trở thành Hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt. Tiếp tục phụ trách Khoa là Thầy Nguyễn Hữu Thắng (1991-1995), TS Mai Xuân Trung (1996-1997), TS. Trần Kim Cương (1998-2003), TS Lưu Thế Vinh (2003-2008), ThS. Nguyễn Hữu Lộc (2009-2018). Hiện nay Khoa đã hình thành 04 bộ môn: Vật lý ứng dụng, Điện tử-Tự động hóa, Viễn thông, và Ứng dụng Kỹ thuật hạt nhân.
Các đại biểu tham dự Hội thảo Chương trình đào tạo ngành Điện tử - Viễn thông
Các nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ dần được cân đối phù hợp. Số lượng phòng thí nghiệm cũng không ngừng được tăng lên và nâng cấp với các thiết bị hiện đại. Nếu như trong thời kỳ ban đầu, Khoa chỉ có một Phòng thí nghiệm Vật lý chung thì đến những năm 1990 Khoa đã có 3 Phòng Thí nghiệm (PTN): PTN Vật lý Đại cương, PTN Điện tử, PTN Vật lý Hạt nhân. Hiện nay tổng số PTN của Khoa là 11 bao gồm: PTN Vật lý đại cương, PTN Hạt nhân, PTN Mạch điện tử, PTN Chuyên đề điện tử, PTN Điều khiển tự động, PTN Mô phỏng, PTN Viễn thông, PTN Kỹ thuật điện, PTN Điện cơ, PTN An toàn bức xạ, PTN Mô phỏng lò phản ứng. Các phòng thí nghiệm không những đáp ứng yêu cầu cho các đợt thực tập của sinh viên thuộc 04 ngành đào tạo của Khoa mà còn phục vụ các đợt thực tập theo yêu cầu của các Khoa khác trong Nhà trường. Các Phòng thí nghiệm được hoàn thiện và đáp ứng triển khai ứng dụng các đề tài nghiên cứu thông qua việc quản lý và điều hành của các cán bộ phụ trách có năng lực.
Một số cán bộ Khoa Vật Lý & KTHN
Các cán bộ và sinh viên Khoa Vật lý đã tham gia nhiều đề tài Nghiên cứu khoa học cấp Quốc gia, cấp Bộ và cấp Cơ sở. Các đề tài đã được nghiệm thu và đánh giá tốt. Các đề tài nghiên cứu đã góp phần cải tiến, nâng cao chất lượng các bài thực tập trong các phòng thí nghiệm, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo kỹ năng thực hành cho sinh viên. Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên đã được giải thưởng cấp Trường và cấp Bộ. Đã có hàng chục các công trình nghiên cứu khoa học của cán bộ trong Khoa đăng trên các tạp chí có uy tín của Quốc gia và Quốc tế hoặc báo cáo trong các Hội nghị Quốc gia và Quốc tế.