Trải
nghiệm tự học của tôi
GS
Nguyễn Văn Tuấn
Australia
Bài
học về sự chủ động trong học hành của tôi bắt đầu
từ khoảng 30 năm về trước. Dạo đó, tôi mới sang Úc,
và vào học chương trình master. Lần đầu tiên vào giảng
đường, tôi bị sốc vì gặp một vị giáo sư cao tuổi
rất lạ lùng.
Bài
học đắt giá
Ông
đến lớp học hoàn toàn tay không. Không có bài giảng,
và cũng không có tài liệu như các vị giáo sư khác. Ông
ngồi trên bàn viết, một chân chấm đất, một chân đong
đưa, thỉnh thoảng đi qua đi lại, và nói chuyện suốt
gần hai tiếng đồng hồ. Ông nói về nghiên cứu của
ông là chính, và tỏ ra cực kỳ hào hứng. Sinh viên chúng
tôi há hốc ngồi nghe, chẳng ghi chép gì cả, và… chẳng
hiểu gì cả. Trong suốt thời gian đó, ông không hề đụng
đến bút mực, và dĩ nhiên là không bao giờ viết gì
trên bảng (thời đó chưa có powerpoint). Đến giờ tan
lớp, có sinh viên thắc mắc tại sao thầy không viết gì
để sinh viên ghi lại vài ý, ông thản nhiên trả lời:
“Đó không phải là việc của tôi, tôi chỉ cho các anh
chị ý tưởng, các anh chị hãy về mà tìm thông tin mà
học thêm”.
Câu nói tìm thông tin mà học thêm
đó chính là một phương pháp giáo dục phổ biến trong
các đại học phương Tây. Đó cũng chính là khái niệm
tự học mà thuật ngữ giáo dục gọi là autodidacticism.
Thật vậy, sinh viên càng học cao càng được khuyến
khích tự học. Ngay từ bậc cử nhân và thạc sĩ, sinh
viên đã được cơ hội làm quen với việc chủ động
tìm thông tin, thẩm định thông tin, phản biện, và làm
nghiên cứu khoa học. Họ được huấn luyện để tự
mình phát hiện vấn đề và giải quyết vấn đề, được
dạy kỹ năng tự làm nghiên cứu, rèn luyện tinh thần
tôn trọng sự thật và khách quan trong phán xét. Do đó,
khi sinh viên tốt nghiệp đại học, họ tự tin về kiến
thức, năng động trong công việc, và sẵn sàng tham gia
vai trò lãnh đạo (nếu cần).
Có lần tôi nghe
một anh người Mỹ còn trẻ nói chuyện về một đề tài
thần kinh mà tôi cứ tưởng anh là nghiên cứu sinh tiến
sĩ, nhưng thật ra anh chưa tốt nghiệp trường y. Một lần
khác, tôi chứng kiến hai em bé người Mỹ chỉ mới 13
tuổi trình bày lưu loát một nghiên cứu (do chính hai em
thực hiện) trong hội nghị loãng xương quốc tế với
trên 5.000 người tham dự. Sự tự tin và kỹ năng nghiên
cứu của họ đã được hun đúc ngay từ lúc còn nhỏ.
Họ tự học từ kiến thức căn bản, và vì họ tự mình
thu thập thông tin nên họ cảm nhận được và tự tin
với điều mình nói.
Ngược lại, sinh viên Việt
Nam chúng ta có xu hướng thụ động và thiếu tinh thần
tự học. Chẳng nói đâu xa, có thể lấy cá nhân tôi ra
làm ví dụ. Khi mới vào học ở Úc, có lần tôi được
cho một bài tập chỉ vẻn vẹn hai câu văn, yêu cầu bình
luận về một công trình nghiên cứu. Thật ra, lúc đó,
chẳng ai trong chúng tôi biết chủ đề của công trình
nghiên cứu, vì sinh viên xuất thân từ nhiều chuyên khoa
khác nhau. Cần mở ngoặc ở đây là lần đó bài làm của
tôi thất bại thê thảm vì tôi chỉ lặp lại những kiến
thức cơ bản, và thầy phê chỉ một chữ duy nhất
“boring” (có nghĩa là đọc thấy chán, chẳng có gì
sáng tạo) với điểm gần 0, điểm thấp nhất trong đời
đi học của tôi. Nhưng chính qua câu hỏi đó, chính qua
sự thất bại thê thảm đó, tôi có dịp chẳng những tự
tìm hiểu những vấn đề cơ bản, mà còn học cách đặt
vấn đề, lượng giá khoa học của thông tin, và nhất là
phát hiện vấn đề.
Môn
thể thao trí tuệ tuyệt vời
Cũng
chính qua thất bại đó mà tôi ý thức được sự khác
biệt về cách dạy học ở Việt Nam và Úc. Trong khi ở
Việt Nam, chúng ta quen với cách học “thầy giảng trò
chép” bấy lâu nay, thì ở ngoài người ta đã bỏ cách
dạy đó và tạo điều kiện cho sinh viên tự học, tự
tìm tòi để nâng cao kiến thức và kỹ năng. Tôi có thể
ví cách học ngoài này là người thầy cho sinh viên cái
“cần câu” hay phương tiện để sử dụng trong tương
lai, và phương tiện đó chính là tư duy độc lập và chủ
động. Một khi sinh viên đã có phương tiện và tự tạo
ra hay thu thập được dữ liệu / kỹ năng mới, họ sẽ
tự tin hơn và hứng thú hơn với thành tựu của chính
mình. Nếu họ chỉ sử dụng dữ liệu của người khác
một cách thụ động thì đó không phải là cái gì đáng
tự hào và sinh viên sẽ trở nên thiếu tự tin. Phải gần
một năm trong môi trường giáo dục ở Úc, tôi mới làm
quen với cách học chủ động.
Phần lớn sinh
viên Việt Nam (hay Á châu nói chung) có xu hướng học theo
công thức, nhưng còn rất kém trong sáng tạo. Thật vậy,
kinh nghiệm của tôi trong vai trò người dạy cho thấy
sinh viên Việt Nam nói chung giỏi giải những bài toán
khó, nhưng khi hỏi họ ứng dụng trong thực tế thì họ
gần như… bí. Khi học trong khuôn khổ, sinh viên Việt
Nam rất khá; nhưng khi được cho “học tự do” như
thiết kế thí nghiệm, phát kiến ý tưởng khoa học, thì
sinh viên Việt Nam kém hẳn sinh viên địa phương. Do đó,
trong những năm đầu, sinh viên Việt Nam khá hơn sinh viên
Úc, nhưng khi học lên càng cao thì sinh viên Việt Nam càng
kém.
Sinh viên Á châu và Việt Nam cũng kém tinh
thần làm việc trong đội (team work). Một anh bạn tôi là
giáo sư hoá học của đại học New South Wales nhận xét
rằng khi làm việc trong nhóm, sinh viên phương Tây thường
năng động, phát kiến tốt, tìm cách giải quyết vấn
đề, chủ động đóng vai trò lãnh đạo; còn sinh viên Á
châu nói chung và Việt Nam nói riêng chỉ giỏi làm những
nhiệm vụ được giao phó! Anh bạn tôi kể rằng có lần
anh đưa một sinh viên Úc năm cuối chương trình kỹ sư
làm một đề án chuyên môn, sau khi nghe qua mục đích đề
án chừng nửa giờ, cô ta đi tìm tài liệu, chủ động
liên lạc với các tổ chức về môi sinh, với những
chuyên gia khắp thế giới, thậm chí liên lạc cả Liên
Hiệp Quốc mà không cần ai chỉ bảo. Về mặt kỹ thuật
cô ta cũng tự học lấy những kỹ thuật tính toán mới
mẻ bằng máy tính chưa hề được dạy. Sáu tháng sau, cô
ta làm xong một công trình có giá trị, được đăng trong
một tạp chí quốc tế, và có ít nhiều tiếng vang trong
ngành. Sự tháo vát như vậy không phải là không có ở
sinh viên Việt Nam, nhưng rất hiếm.
Tinh thần
chủ động và tự học đóng vai trò rất quan trọng trong
học tiến sĩ. Nghiên cứu sinh khi tốt nghiệp tiến sĩ
phải chứng tỏ mình có những kiến thức chuyên sâu về
chuyên ngành, phải có khả năng cập nhật hóa kiến thức
cũng như tất cả những phát triển mới liên quan đến
lĩnh vực nghiên cứu, có kỹ năng phát hiện vấn đề
hay đặt câu hỏi có ý nghĩa cho nghiên cứu chuyên ngành
của mình. Nhưng một trong những tiêu chuẩn của tiến sĩ
là nghiên cứu sinh phải chứng tỏ mình độc lập sau khi
tốt nghiệp. Nhưng kỹ năng này phần lớn là do nghiên
cứu sinh tự học, chứ rất ít khi nào thầy cô “cầm
tay chỉ việc”. Thật vậy, học tiến sĩ thường phải
làm việc với một hay hai thầy / cô hướng dẫn. Có ba
“loại” thầy hướng dẫn chính: nhà khoa học, doanh
nhân, và nhà độc tài. Người thầy trong vai trò nhà khoa
học là đồng nghiệp của nghiên cứu sinh, cho định
hướng nghiên cứu, nhiệt tình nâng đỡ và chia sẻ kiến
thức với nghiên cứu sinh để cả hai thầy trò có thể
thành công trong trường khoa học. Người thầy kiểu doanh
nhân là người rất bận, ít có thì giờ để thường
xuyên gặp nghiên cứu sinh, nhưng lúc nào cũng đòi hỏi
phải có “sản phẩm” (tức bài báo khoa học), mà không
mấy quan tâm đến chuyện nghiên cứu sinh phải xoay xở
ra sao. Người thầy kiểu nhà độc tài là người rất
khó tính, xem nghiên cứu như là “nô lệ” phục vụ cho
sự nghiệp của họ, lúc nào cũng đòi hỏi nghiên cứu
sinh phải báo cáo từng chi tiết một, và lúc nào cũng
đòi hỏi phải có sản phẩm theo đúng định kì. (Cố
nhiên, còn có một loại “thầy” thứ tư là loại… vô
trách nhiệm, nhận nghiên cứu sinh mà không có định
hướng cũng chẳng giúp gì cho nghiên cứu sinh, nhưng đây
không thể xem là thầy nên không được tính ở đây). Dù
học tiến sĩ dưới bất cứ loại thầy nào thì nghiên
cứu sinh phải có tư duy độc lập, có tinh thần tự học
và chủ động.
Tự học hay autodidacticism không
dễ. Nó đòi hỏi người học phải tập trung, và học từ
cơ bản chứ không phải học từ ngọn. Chẳng hạn như
mỗi ngày tôi học một từ tiếng Anh, tôi phải học từ
đó đến từ đâu, có nghĩa gì, và những cách sử dụng
từ đó. Tự học không có nghĩa là học trong cô đơn, mà
có giao tiếp với bạn bè để cùng học hỏi. Tự học
không có nghĩa là chỉ đọc sách, đọc báo, mà phải làm
theo sách, thực hành từ bài báo cho đến khi hiểu. Tự
học cũng có nghĩa là học cách phản biện và phát hiện
vấn đề. Tuy tự học không dễ, nhưng đó là hình thức
thể thao trí tuệ tuyệt vời nhất và có hiệu quả
nhất.
Mục đích thực và chính của việc học
hành là để mở mang trí tuệ, trau dồi kiến thức, rèn
luyện nhân cách, và làm người hữu ích cho xã hội.
Những mục tiêu đó không thể chỉ học trong vòng vài
năm, mà phải học suốt đời, chính vì thế mà ở các
nước phương Tây người ta có khái niệm lifelong learning
– học suốt đời. Học suốt đời là một cách để
chúng ta hấp thu tri thức và kỹ năng mới qua học hành
và kinh nghiệm không chỉ trong nhà trường mà còn ngoài
xã hội nói chung. Nhìn như thế để thấy rằng tư duy tự
học và chủ động học tập đóng vai trò quan trọng số
một trong cuộc sống.
Nguyễn
Văn Tuấn